Mặc dù hãng sản xuất máy tính HP đã phát hiện lỗi và
tiến hành sửa chữa, thay thế linh kiện miễn phí nhưng một số khách hàng
vẫn lên tiếng phàn nàn rằng họ bị HP đối xử không công bằng khi mẫu máy
mà họ sử dụng cũng mắc lỗi tương tự nhưng không nằm trong danh sách bảo
hành của HP.
Chiếm đa số trong những lời phàn nàn này là chủ nhân của dòng máy HP
Pavilion dv 9500. Triệu chứng thường gặp nhất là những chiếc máy tính
này thường bị quá nóng, màn hình đột nhiên chuyển sang trắng xóa hoặc
“treo cứng” toàn bộ hệ thống. Các khách hàng của dòng máy này khi mang
đến sửa chữa tại các trung tâm bảo hành của HP thường bị yêu cầu trả
thêm phí mặc dù các triệu chứng đó hoàn toàn giống với lỗi của con chip
đồ họa Nvidia mà HP đã phát hiện.
“Tôi đã dùng nhiều mẫu máy nhưng chưa thấy chiếc nào dùng card đồ họa ATI bị lỗi mà chỉ thấy sản phẩm có card Nvidia lỗi”,
Matthew Hilsenrad, một khách hàng sử dụng laptop HP phát biểu. Theo
Hilsenrad, các dòng máy Pavilion dv9500 và Pavilion dv 9600 được trang
bị bộ xử lý đồ họa Nvidia GeForce 8600 series cũng gặp lỗi tương tự
nhưng không được HP bảo hành.

Mẫu máy HP Pavilion dv2000 bị quá nóng
Thông thường, sau khi máy tính bị lỗi quá nóng dẫn
đến màn hình trắng và hiển thị sai, khách hàng sẽ được yêu cầu thay thế
bo mạch chủ với mức phí khoảng 400 USD.
Cho đến nay, cả HP và hãng sản xuất bộ vi xử lý đồ họa Nvidia Corp. vẫn
chưa có phản ứng chính thức nào trước lời phàn nàn của những khách hàng
này.
Hồi tháng 7 năm ngoái, hãng Nvidia thông báo rằng một số sản phẩm của
họ gặp lỗi quá nóng là do vật liệu đóng gói và thiết kế tản nhiệt kém
của một số mẫu máy. Trong khi đó, đại diện hãng sản xuất HP lại công bố
một số mẫu máy bị lỗi với nguyên nhân được cho là xuất phát từ linh
kiện của Nvidia.
Bản danh sách những mẫu máy bị lỗi mà HP công bố bao gồm Pavilion
dv2000, dv6000, dv9000 và Compaq Presario V3000, V6000. HP còn tăng
thêm 24 tháng bảo hành cho những mẫu máy này.
Không chỉ có HP, một số nhà sản xuất máy tính khác như Dell, Apple cũng
lên tiếng phàn nàn về lỗi trên sản phẩm card đồ họa Nvidia. |